Khả năng sáng tạo là một yếu tố quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho con sau này. Việc phát triển khả năng sáng tạo cho bé giúp con mở rộng vốn kiến thức và đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề tốt hơn.
Đối với các bạn nhỏ, bản năng sáng tạo của con đang ở giai đoạn đỉnh cao, và các bậc phụ huynh luôn muốn tìm cách để phát triển khả năng sáng tạo cho bé. Bài viết dưới đây của Chip Chip cung cấp một số thông tin về từng giai đoạn hình thành và nâng cao khả năng sáng tạo của con để bố mẹ hiểu được đâu là “thời điểm vàng” hỗ trợ con phát triển tốt nhất.
Vào những năm 1960, một nhà tâm lý học và nhà giáo dục người Mỹ – E. Paul Torrance đã xuất bản một cuốn sách về khả năng sáng tạo có tên “The Torrance Tests of Creative Thinking” (TTCT). TTCT đo lường nhiều khía cạnh của khả năng sáng tạo, đồng thời cung cấp thông tin về độ tuổi phát triển khả năng sáng tạo của các bạn nhỏ. Cụ thể chia thành từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn từ 3 – 6 tuổi: Hòa mình vào thế giới tưởng tượng
Đây là giai đoạn khởi đầu của sự sáng tạo, khi mà bé vừa bước vào một thế giới đầy màu sắc và vô cùng thú vị. Con có sự quan sát và nhận thức dần về những sự vật, sự việc, hiện tượng xung quanh, và đối với bé tất cả đều mới lạ. Trong độ tuổi này, trẻ thường hòa mình vào thế giới thực, từ đó bắt đầu phát triển khả năng tưởng tượng của mình một cách mạnh mẽ và tự nhiên nhất.
Việc tưởng tượng là một yếu tố quan trọng định hình sự sáng tạo cho con. Các bạn nhỏ trong độ tuổi này thường thích nghĩ ra thật nhiều câu chuyện, sáng tạo các nhân vật và tình huống trong đầu mình và sau đó diễn tả những ý tưởng này với mọi người xung quanh. Hoặc con rất thích tự mình tạo ra những công trình, tác phẩm độc đáo, chẳng hạn như xây lâu đài cát, vẽ tranh, lắp ráp mô hình…
Qua những hoạt động như vậy, con có cơ hội hòa mình vào thế giới tưởng tượng, tự do sáng tạo và thể hiện ý tưởng. Điều này là cơ sở quan trọng để phát triển và khuyến khích khả năng sáng tạo của bé trong những năm tiếp theo.
Tham khảo bài viết: 7 Nguyên Tắc Vàng Bố Mẹ Cần Nắm Khi Dạy Bé Nói Tiếng Anh
Giai đoạn từ 7 – 9 tuổi: Học hỏi và biến ý tưởng thành hiện thực
Trong giai đoạn tiếp tục phát triển từ 7 – 9 tuổi, bé sẽ tiếp cận kiến thức và học hỏi nhiều hơn từ môi trường xung quanh. Hầu hết các bé ở độ tuổi này đã phát triển tư duy phản biện, có khả năng suy luận và phân tích một cách logic. Chính vì vậy, con có thể nắm bắt và hiểu sâu hơn về các sự vật, sự hiện và hiện tượng xung quanh, từ đó đưa ra vô vàn ý tưởng sáng tạo và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Đặc biệt, ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu có khả năng biến các ý tưởng trừu tượng thành hiện thực thông qua những hoạt động và dự án thực tế. Cụ thể, qua các hoạt động thú vị như xây dựng mô hình, thực hiện các thí nghiệm nhỏ, viết lách, hoặc tham gia vào nhóm diễn kịch, tham gia lớp học ngoại ngữ… con có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo và giải quyết các vấn đề cơ bản.
Bởi vì tất cả những điều đó, độ tuổi 7 – 9 tuổi là thời điểm quan trọng để gia đình tạo cơ hội cho con biến những ý tưởng sáng tạo của mình thành hiện thực. Điều các bậc phụ huynh cần làm là khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, khám phá, không ngại khó khăn và không sợ thử nghiệm các ý tưởng mới.
Giai đoạn từ 10 – 12 tuổi: Trỗi dậy của sự sáng tạo chuyên sâu
Đây là độ tuổi mà con bắt đầu phát triển sự sáng tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực cụ thể. Bé có thể có niềm đam mê với nghệ thuật, khoa học, âm nhạc, thể thao, viết lách, hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác. Và khả năng sáng tạo chuyên sâu tạo điều kiện cho con tập trung vào phát triển kỹ năng và kiến thức trong lĩnh vực ưu thích, từ đó có những ý tưởng mới và xuất sắc hơn.
Trong giai đoạn này, sự hỗ trợ và khuyến khích từ gia đình và nhà trường là rất quan trọng để phát triển sự sáng tạo chuyên sâu của bé. Bố mẹ cần tạo điều kiện để con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và dự án sáng tạo theo đúng sở thích, đam mê của mình, từ đó rèn luyện khả năng sáng tạo và tự tin thể hiện với mọi người xung quanh.
Phát triển khả năng sáng tạo cho bé – Giai đoạn từ 13 – 15 tuổi: Tìm kiếm bản sắc sáng tạo
Giai đoạn thiếu niên đánh dấu sự tìm kiếm bản sắc riêng biệt của mỗi cá nhân. Sau khi tìm hiểu chuyên sâu nhiều lĩnh vực, biết rõ sở thích, đam mê của mình, con bắt đầu đặt câu hỏi về bản thân và bày tỏ mong muốn trong tương lai.
Trẻ ở độ tuổi này có xu hướng tự tin hơn khi thể hiện sự sáng tạo của mình trước đám đông. Con không chỉ đơn thuần trình bày các ý tưởng, mà còn thể hiện sự tự tin và niềm kiêu hãnh với những tác phẩm, công trình, dự án con tạo ra. Điều này giúp trẻ phát triển ngày càng mạnh mẽ khả năng sáng tạo của bản thân, tiếp tục khám phá và định hình bản sắc riêng biệt của mình.
Tham khảo bài viết: 8 Hoạt Động Cực Kỳ Hữu Ích Giúp Con Tự Tin Giao Tiếp
Trên đây là quá trình hình thành và phát triển khả năng của trẻ qua từng giai đoạn, từ khi còn nhỏ cho đến độ tuổi thiếu niên. Và như bố mẹ có thể thấy, giai đoạn từ tuổi 3 – 15 tuổi thời kỳ quan trọng và đáng giá để khuyến khích, hỗ trợ sự sáng tạo của trẻ. Tùy vào từng thời kì, bố mẹ cần hiểu rõ điều đó để định hướng cách phát triển sự sáng tạo cho bé tốt nhất.
Tuy nhiên, từ 3 – 9 tuổi được xem là độ tuổi vàng để phát triển khả năng sáng tạo cho bé. Trong đó, giai đoạn 3 – 6 tuổi là cơ hội thích hợp để thúc đẩy trí tưởng tượng phong phú, bước đầu tạo dựng nền tảng cho sự sáng tạo sau này. Còn đối với giai đoạn 7 – 9 tuổi, đây là lúc cần động viên, tạo cơ hội để con thể hiện các ý tưởng sáng tạo của mình và biến chúng thành hiện thực. Bố mẹ đừng quên hỗ trợ và khuyến khích con để bé mạnh dạn khám phá và phát triển sức mạnh tuyệt vời này nhé.
Trả lời