Việc dạy và học tiếng Anh hiện nay đang tồn tại không ít bất cập:
- Lớp học đông, học sinh chênh lệnh nhau về trình độ tạo ra thách thức cho người dạy trong việc đưa ra một bài học phù hợp tất cả các học sinh.
- Mỗi cơ sở đào tạo có ít lựa chọn giáo viên, dẫn đến người học sẽ phụ thuộc vào một vài giáo viên nhất định.
- Giáo viên là trung tâm của lớp học, không phải học sinh. Người giáo viên vẫn là người nói nhiều nhất trong lớp & cố gắng truyền đạt một kiến thức chung tới tất cả các học sinh.
Trên thực tế, mỗi một học sinh sở hữu những nhu cầu học tập và đặc điểm riêng biệt:
- Nhu cầu học tập là khác nhau: có học sinh học để giao tiếp, hoặc học để thi lấy chứng chỉ, học để cải thiện thành tích trên lớp, hay để thi chuyển cấp…
- Năng lực trình độ của mỗi học sinh là khác nhau. Có học sinh mạnh về ngữ pháp nhưng yếu phần phát âm; có học sinh nói tốt nhưng khả năng đọc yếu…
- Tốc độ & khả năng tiếp thu của mỗi học sinh là khác nhau.
- Phong cách học tập là khác nhau. Có những học sinh thích học thông qua các hoạt động trò chơi, có học sinh học theo cách ngồi nghiêm túc…
- Giáo viên có thể hợp với học sinh này nhưng chưa chắc đã phù hợp với học sinh khác.
- Thời gian học tập của mỗi học sinh là khác nhau & phụ thuộc khá nhiều vào thời gian của gia đình, hay các buổi học môn chính (Toán, Tiếng Việt…).
Học tập theo cá nhân hoá (personalized learning) là một chủ đề được nhắc đến nhiều gần đây. Với mong muốn nâng cao sự hào hứng, hiệu quả học tập, sự thuận tiện cũng như rút ngắn thời gian cho học sinh. Tuy nhiên điều đó thật không hề dễ dàng trong một môi trường giáo dục nặng về mục đích thi cử và ghi nhớ kiến thức.
Ngoài ra, nếu phải chăm sóc, để ý đến từng nhu cầu đặc điểm riêng biệt của mỗi học sinh, xem ra sẽ là quá tải đối với hệ thống giáo dục hiện tại. Người học cũng cần phải có điều kiện tài chính tốt hơn để tiếp cận được với những mô hình giáo dục chất lượng cao.
Câu hỏi đặt ra là làm sao đưa việc học cá nhân hoá trong học tiếng Anh nói riêng và việc học tập nói chung thành sự thật?
Việc áp dụng công nghệ vào trong hoạt động giáo dục đào tạo có thể thúc đẩy quá trình cá nhân hoá này:
1. Thông tin về năng lực, hành vi, sở thích & thói quen học tập của học sinh sẽ được lưu lại & dễ dàng truy xuất. Dữ liệu thông tin về học sinh được khai thác làm công cụ hỗ trợ cho giáo viên trong việc thiết kế bài học phù hợp với học sinh đó. Ví dụ, có những học sinh thích học về chủ đề liên quan đến khủng long, qua dữ liệu về học sinh được cung cấp, giáo viên có thể thiết kế bài học quay xung quanh đến chủ đề này để giúp con trở nên hào hứng hơn.
2. Các mô hình lớp học online hiện nay ở quy mô cá nhân (1 giáo viên – 1 học sinh) hoặc nhóm nhỏ (1 giáo viên – nhóm học sinh). Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai học tập cá nhân hoá khi lớp học tập trung hoàn toàn vào một vài đối tượng học sinh. Giáo viên, chương trình học dễ dàng được điều chỉnh cho phù hợp với học sinh đó.
3. Việc cá nhân hoá có nghĩa là trao quyền lựa chọn cho người học. Theo đó, học sinh được chủ động lựa chọn giáo viên, chương trình học, thời gian học tập. Muốn vậy, hạ tầng giáo dục sẽ cần đảm bảo được sự phong phú trong lựa chọn. Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng tiếng Anh trực tuyến trong thời gian tới đây, cho phép học sinh Việt Nam có thể tiếp cận số lượng nhiều các giáo viên chất lượng vốn trước đây khó có được vì rào cản địa lý.
Học sinh cũng được linh hoạt lựa chọn thời gian học & tần suất học tập thay vì phải đi theo một lộ trình học tập cố định, áp dụng chung cho nhiều người. Cũng giống như trước đây, vì bận rộn, bạn có thể sẽ tiếc hùi hụi vì bỏ lỡ một chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn. Giờ thì bạn có thể xem lại nó bất kỳ khi nào bạn muốn. Dần dà bạn sẽ thấy học tập cũng sẽ như vậy.
Bạn có tin rằng với sự phát triển của công nghệ giáo dục, trong tương lai gần, Việt Nam có thể áp dụng thành công Cá nhân hoá trong học tập? Hãy chia sẻ ý kiến quan điểm của mình nhé?
Để lại một bình luận